Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN Ở VIỆT NAM

Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN Ở VIỆT NAM



Chào bạn.

* Chữ “ Nguyên” có nghĩa là bắt đầu, chữ “ Đán” có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. 

* Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản còn gọi là Tết. Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau và là ngày lễ tưng bừng,
nhộn nhịp của cả dân tộc. Tết là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa và Vòng văn hóa Đông Á. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như Tết Táo Quân vào ngày 23 tháng chạp âm lịch và Tất Niên vào ngày 29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch.

* Từ những thế kỷ trước, từ đời Lý – Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng. Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. 

* Vì Tết tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch hay Tết Tây. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ thời gian dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng.

* Tết xuất xứ từ “tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ. 



* Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn km vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. 

* Mấy tiếng “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội, tình thầy trò, bè bạn cố tri, ông mai bà mối đã tác thành cho đôi lứa.

* Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân, Cơ quan đoàn thể và cho cả cộng đồng. Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. 

* Các ngành, các cấp đều có kế hoạch cho ngày hội đặc biệt này. Từ thương nghiệp đến giao thông vận tải, văn hóa đến an ninh công cộng, nhất là các ngành dịch vụ thì cứ là “bận như Tết”. Các công sở, xí nghiệp, trường học cũng đều có kế hoạch tham gia Tết, đồng thời giải quyết những nhu cầu đặt ra trong nội bộ đơn vị. 

* Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên. 



* Tết là dịp để mọi người dẹp bỏ mọi lo toan thúc dục hằng ngày của đời sống sau một năm làm lụng vất vả, để mà vui chơi, an hưởng hạnh phúc được chừng nào hay chừng ấy.

* Tết là dịp để nhắc nhở loài người ý thức về sự đổi mới của đất trời, về lẽ tuần hoàn của tạo vật: Đông qua Xuân tới, Thu đi Hạ về; ý thức như thế để mà phấn khởi hân hoan nuôi mầm hy vọng khi 365 ngày cũ chấm dứt, 365 ngày mới bắt đầu.

* Tết là nghi thức do loài người khắp nơi trên trái đất không hẹn mà cùng tổ chức nên, để tạo cơ hội cho những khởi đầu đầy ý nghĩa của 365 ngày sống mới mà ngày mồng một là ngày khai nguyên: cơ hội để gia đình sum họp, tưởng nhớ tổ tiên, đền ơn trả nghĩa... 

* Tết là dịp trọng đại nhất trong năm mà trong đó mọi người đều cố gắng để tạo niềm vui cho mình và cho người, cùng cố gắng để nở nụ cười thân ái chào nhau, và, nếu có thể, sẵn sàng bắt tay nhau ngầm hứa hẹn xoá bỏ hận thù, giận hờn, nghi kỵ, để cho cuộc đời được tốt đẹp ý nghĩa hơn cùng với năm mới bắt đầu.

* Ngày nay, trong thời kỳ hiện địa, việc tổ chức nghỉ Tết, vui Tết được quy định hợp lý, khoa học hơn – Vừa văn minh, lịch sự, không lãng phí thời gian, phù hợp nếp sống công nghiệp vừa bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc và ý nghĩa nhân sinh của ngày Tết thì không có gì thay đổi. Đó cũng là nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian cần được giữ gìn và phát huy.

Các giai đoạn chính trong ngày Tết và Tục Lệ Ngày Tết:

* Trên nguyên tắc, Tết bắt đầu từ ngày mồng một nhưng trên thực tế, Tết kể như đã chuẩn bị cả tháng trước. Không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về…Theo tập tục, đến ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về Trời tâu việc trần gian thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Thời xưa từ triều đình đến quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đều nghỉ lễ từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày khai hạ từ 7 tháng Giêng. 



1./ Trang hoàng nhà cửa là mục đầu tiên: vệ sinh, quét dọn, sơn, sữa thậm chí xây nhà mới để đón Tết.

2./ Chuẩn bị các thứ để gói bánh chưng, làm dưa hành, trồng cây nêu, nhành hoa mai hay hoa đào…

3./ Biếu Tết là dịp chứng tỏ lòng tôn kính và biết ơn, như con đối với cha mẹ, trò nhớ ơn thầy, người làm công biết ơn ông chủ, bạn bè cũng biết ơn nhau về những điều tốt đẹp trong cách cư xử với nhau.

4./ Thăm mộ gia tiên còn gọi là chạp mộ, là đến thắp hương cúng vái trước mồ mả ông bà tổ tiên cùng những người thân đã qua đời, và điều quan trọng là quét dọn, làm cỏ, sửa sang lại ngôi mộ, để người chết cũng được ăn Tết như người sống.

5./ Lễ cúng ông bà là vào ngày 30 tháng chạp. Sau khi cúng đèn nhang phải được giữ cháy mãi suốt mấy ngày Tết.

6./ Mọi thứ nợ nần cần phải được thanh toán trước Tết, vì Tết mà còn mắc nợ người thì quanh năm sẽ túng bấn như thế, ngược lại, để cho người ta không trả nợ cũng là điều không hay, xui xẻo.

7./ Tiễn đưa Ông Táo, hay ông vua bếp: Ông Táo lên trời vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch với nhiệm vụ tấu trình Thượng Đế mọi việc xảy ra trong nhà để Trời soi xét mà thưởng hay phạt.

8./ Cúng Giao Thừa vào đêm 30 Tết còn gọi là đêm Trừ Tịch, thường bắt đầu vào lúc cuối giờ thứ 24 của ngày 30 tức là 12 giờ đêm, rạng sáng ngày một. Tết bắt đầu từ giờ này, gọi là giờ “tống cựu nghênh tân”.

9./ Ngày Tết hay năm mới bắt đầu từ sáng mồng một. Kiêng cử là mục đầu tiên cha mẹ căn dặn con cái:  Kiêng nghĩa là tránh không làm những điều không tốt, như: chưởi bớí, giận dữ, đánh lộn .. Nếu Tết mà bị như thế thì sẽ bị cả năm.



10./ Xông nhà xông đất: Bắt đầu từ giờ Giao Thừa là bắt đầu năm mới, hễ người nào bước chân đến nhà mình trước tiên là người ấy xông nhà xông đất, nghĩa là mang sự may mắn hay xui xẻo đến cho mình, tuỳ theo cái vận của người ấy đang lên hay đang xuống. Thường, người ta tin cái vận của người đến xông đất nhà mình có thể đem lại phước hay hoạ. 

11./ Xuất hành: Cũng sau giờ Giao Thừa, người ta chọn giờ tốt để đi ra khỏi nhà gọi là xuất hành, đi để tìm lấy cái may mắn, phúc lợi. Thường, xuất hành bao giờ cũng nhắm tới đền chùa hay nhà thờ.

12. Hái lộc: Ở nơi chọn để xuất hành tốt, còn có tục hái lộc, nghĩa là bẻ một cành cây, một nhánh lá để mang về nhà lấy hên, lấy may. Cành đa, cành đề, cành si, cây xương rồng quanh năm tươi tốt được tin là nẩy lộc tốt lành.

13. Tục lệ Chúc Tết, mừng tuổi. Sáng ngày mồng một, con cái cháu chắt mặc áo mới, vòng tay cúi đầu trước ông bà cha mẹ và lạy mừng chúc tụng, dâng lên những món quà tượng trưng cho lòng tôn kính. Bậc bề trên mừng tuổi cho con cháu những món tiền đựng trong phong bao màu đỏ, gọi là lì xì. Tục lì xì đến nay ở hải ngoại vẫn còn rất được tán thưởng. 

14./ Khai bút đầu năm: Riêng giới văn nhân thi sĩ còn có tục lệ là khai bút tân xuân, nghĩa là viết lên vài hàng chữ nhân dịp xuân về, làm một bài thơ đón chào Xuân mới, thường là ngụ ý bày tỏ ý chí, nguyện vọng hay tâm tình. Bài khai tân xuân được viết trên giấy màu đỏ hay giấy có vẽ hoa. 

Chúc bạn năm mới hạnh phúc và ấm áp bên người thân và gia đình!

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Mr. Trương Lam Sơn

0918 407070

*****************

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

FOLLOW US