Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

CÁC NGÔI CHÙA NỔI TIẾNG Ở MIỀN NAM BẠN NÊN THAM QUAN

CÁC NGÔI CHÙA NỔI TIẾNG Ở MIỀN NAM BẠN NÊN THAM QUAN


Chào bạn.

Đi lễ chùa đầu năm là một trong những nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đại đa số người Việt. Thường thì người Việt đi cúng chùa thời điểm sau giao thừa và vào các dịp lễ quan trọng trong năm là Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy. Tháng Giêng đối với người Việt là thiêng liêng nhất nên ông bà nhắc nhở phải đi chùa. Hiện nay việc đi lễ chùa ngày Tết kéo dài đến hết Rằm tháng Giêng,  sau Rằm tháng Giêng thì hành hương bình thường.


Sau đây là danh sách các ngôi chùa nổi tiếng ở Miền Nam bạn cần tham quan:

1./ Chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương (gọi tắt là chùa Bà Bình Dương hay miếu bà Thiên Hậu):


Chùa Bà ở Bình Dương tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du, thành phố Thủ Dầu Một. Đây là ngôi miếu do người Việt gốc Hoa tạo lập để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. 

Năm nào cũng vậy, hễ đến những ngày rằm tháng Giêng là dân các tỉnh, thành phố khắp nơi lại kéo nhau về Chùa Bà ở Bình Dương để cầu an, xin lộc-tài. Càng về ngày rằm, không khí ở chùa Bà càng trở nên nhộn nhịp, đông vui. 

Lễ hội chính của chùa Bà sẽ diễn ra vào hai ngày 14, 15 (AL). Trong hai ngày này sẽ có nhiều tiết mục hấp dẫn mang đậm tính dân gian và gần gũi với nhân dân vì có sự xuất hiện nhiều nhân vật huyền thoại, xe hoa, cồng, chiêng, trống, cờ… và đặc biệt là không thể thiếu những đoàn lân-sư-rồng. 

Lễ hội chùa Bà là một lễ hội lớn ở Bình Dương, chính vì thế việc bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh khuôn viên chùa là việc làm rất cần thiết để thu hút du khách đến với chùa. Vào hai ngày chính của lễ hội, lượng khách các nơi về chùa lên đến hàng chục ngàn người nên không tránh khỏi những tên ma cô, móc túi giả làm khách hành hương “giở trò” với khách thật. 



Khách hành hương không chỉ có người địa phương mà còn có nhiều khách ở các tỉnh, thành như: thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... Trong những du khách hành hương không ít khách là người Việt kiều xa xứ chọn Bình Dương đi lễ hội đầu năm mới. 

Du khách khi đến chùa hành hương chủ yếu cúng các lễ vật hành hương: trầu cau, cây cành vàng lá ngọc, tượng phật, thắp nhang... Các loại hoa huệ trắng, chim phóng sinh. 

Ngoài chùa Bà ở Bình Dương còn có chùa Ông, chùa Linh Đàn nằm ở các con đường khác nhau và tạo thành một hình tam giác. Ba chùa chỉ cách nhau khoảng 200m nên du khách khi đến chùa Bà hành hương đầu năm còn có thể ghé ngang qua hai chùa còn lại để cầu an, cầu lộc. 

2./ Núi Bà Đen ở Tây Ninh: 


Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ (986 m), thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 11 km về phía đông bắc, cách TP HCM 110km. Nhìn từ xa, núi giống như một chiếc nón úp trên cánh đồng lúa bạt ngàn. 

Ngoài là nơi hành hương nổi tiếng, núi Bà Đen cũng là một trong những địa điểm tham quan tuyệt đẹp với hệ thống núi, hang động huyền bí hay cảm giác lý thú trên máng trượt hay cáp treo hay đi bộ. 

Núi Bà Đen còn có tên gọi khác là núi Vân Sơn do ngọn núi quanh năm có mây bao phủ. Núi Bà Đen gắn với truyền thuyết về một người con gái nhan sắc mặn mà, có nước da bánh mật tên là Lý Thị Thiên Hương. Người yêu cô là Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày nay), có tài cao, chí lớn, nên đã lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước.

Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, cô theo gót đoàn hành hương lên núi Một lễ Phật thì bị bọn quan quân Tuần Phủ vây bắt và có ý định hãm hại. Cùng đường, cô đã gieo mình xuống núi để giữ tấm lòng chung thủy với người yêu. Cô đã về báo mộng cho nhà sư trụ trì ngôi chùa trên núi, từ đo cô rất hiển linh, luôn phù hộ độ trì cho thiện tín mười phương nên được nhân dân quanh vùng lập điện thờ trên núi.



Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, tưởng nhớ đến chuyện lúc lên núi được Bà mách bảo nơi ẩn náu và thoát nạn nên đã sắc phong cho Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu và tạc tượng Bà bằng đồng đen để nhân dân chiêm bái, phụng thờ. Từ đó, núi Một có tên gọi là núi Bà Đen.

Quần thể danh thắng núi Bà Đen trải rộng trên diện tích khoảng 24km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Với độ cao 986m, nhìn từ xa, núi Bà Ðen như một chiếc nón úp trên đồng bằng.

Núi Bà Đen còn là một quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp... phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và Điện Bà, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng. 

Ngoài ra, trên núi còn có một số ngôi chùa khác như: chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn An Phước tự), chùa Hạ, chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự), chùa Vân Sơn. Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà, hang Gió... Dưới chân núi là Khu Du lịch Văn hóa núi Bà với nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ. 

Núi Bà Đen còn có 3 địa điểm trưng bày một số hiện vật và hình ảnh về các cán bộ, chiến sĩ quân Giải phóng, đó là động Kim Quang, khu chùa Hang và bảo tàng dưới chân núi. 

Ngày 21/01/1989, núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia.

3./ Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh:


Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh nằm cách trung tâm thị xã Tây Ninh khoảng 5 km về hướng đông. Công trình này được khởi công xây dựng năm 1936, là công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng của đạo Cao Đài ở Tây Ninh. 

Trong khu thánh thất có nhiều điện thờ, nhà làm việc, nhà ở. Nổi bật là đền Thánh với kiến trúc hai tháp song song đặc trưng của đạo, khuôn viên mát rượi, thanh tịnh, yên bình của tòa thánh. Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh là một một công trình kiến trúc hài hòa giữa mỹ thuật kiến trúc Á Đông và phương Tây khéo léo, tinh xảo.

Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh được khởi công xây dựng năm 1933 và hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Khuôn viên tòa thánh rộng 1,2 km, với đền thờ Phật mẫu, vườn cây cảnh, rừng thiên nhiên. Ngôi tòa dài 140 m, rộng 40 m, có tam đài cao 36 m, hai lầu chuông và trống cao 25 m, cửu trùng đài và bát quý đài cao 30 m.



Bên trong tòa thánh gồm hai hàng cột rồng, sơn xanh, đỏ, trắng rực. Trên trần nhà là 9 khoảng bầu trời mây và sao. Khu chính điện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao (tượng trưng cho 3.072 quả địa cầu). Nền Tòa Thánh có 9 cấp gọi là “Cửu phẩm thần tiên”, mỗi cấp là một phẩm cấp. Phía trước gian chánh điện có 7 ghế chia làm tam cấp: cao nhất là ghế của Giáo Tông, tiếp theo là 3 ghế của 3 vị Chưởng Pháp, cuối cùng là 3 ghế của 3 vị Đầu Sư. Chánh điện có 8 cột trụ rồng xếp thành vòng tròn.

Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Giê su, Khổng Tử, Lão tử, Phật Bà Quan Âm... 

Du khách đến tham quan tòa thánh thường chọn giờ tòa thánh có hành lễ (khoảng 12h trưa) để thấy cách hành lễ rất trang trọng, đẹp mắt của đạo hữu Cao Đài. Khi vào bạn phải bỏ giày dép bên ngoài.

Mùng 9 tháng Giêng và rằm tháng Tám âm lịch hàng năm là hai lễ hội lớn nhất của tòa thánh. Không chỉ những người theo đạo Cao Đài mà rất đông du khách thập phương cũng về tòa thánh để sống trong không khí lễ hội cây trái và lễ hội rằm to nhất Tây Ninh dịp xuân về.

4./ Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt: 


Đà Lạt có gần 10 ngôi chùa được nhiều người biết đến như chùa Linh Sơn, Linh Ẩn, Linh Phước... địa điểm thu hút nhất là Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, một trong ba thiền viện lớn của Việt Nam theo phái Trúc Lâm.

Đến đây, ngoài tham quan, viếng cảnh chùa, du khách còn có cơ hội du thuyền trên hồ Tuyền Lâm hay ngắm rừng thông bạt ngàn, những ruộng rau bậc thang xanh mướt… từ trên cáp treo. 

Thiền Viện Trúc Lâm tọa lạc trên một khuôn viên rộng 25ha, bao trùm cả ngọn đồi Phượng Hoàng đắc địa đẹp nhất khu vực thắng cảnh hồ Tuyền Lâm. Nơi đây có tầm nhìn chính về phương Nam rất độc đáo, vừa nhìn thấy toàn cảnh dãy núi Voi xa xa trải dài đến mặt hồ tạo thành một bán đảo nhỏ xanh mướt giữa rừng thông, vừa thấy cảnh quan mặt nước hồ trong xanh sóng gợn lăn tăn.



Tòa chính điện Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt hình chữ nhật đơn giản nằm ở vị trí trung tâm, nhìn về hướng Nam. Nhìn chung, hình thức trang trí rất đơn giản, có tính tượng trưng cao, chỉ riêng phần các đồ gỗ được gia công tỉ mỉ, chạm trổ tinh xảo. Bao bọc chung quanh chính điện là cả một quần thể các công trình kiến trúc chùa Việt truyền thống. 

Hòa thượng Thích Thanh Từ đứng ra lo khởi công xây dựng công trình từ ngày 28-5-1993, khánh thành ngày 19-3-1994. Cùng với cảnh đẹp thiên nhiên, nơi đây không những đã trở thành một chốn tu hành, mà còn là một điểm tham quan lý tưởng.

5./ Tượng Chúa Ki-tô hay Tượng Đức Chúa Vũng Tàu: 


Tượng Chúa Ki-tô hay Tượng Đức Chúa dang tay là một bức tượng Chúa Jesus đứng trên đỉnh núi nhỏ của thành phố Vũng Tàu. Bức tượng này được xây từ năm 1974, cao 32 m, sải tay dài 18,3 m, bên trong có cầu thang 133 bậc dẫn đến 2 tay của tượng. 

Bên cạnh việc hành hương, nhiều du khách cũng thích đến đây để khám phá Vũng Tàu từ trên cao, hay trải nghiệm cảm giác dạo bộ trên cánh tay của tượng.

Trong các điểm du lịch Vũng Tàu, Tượng Chúa Kitô không chỉ là một công trình góp phần làm bức tranh du lịch Vũng Tàu thêm màu sắc, mà còn mang ý nghĩa rất lớn về tôn giáo. Tượng Chúa Kitô Vũng Tàu được xem là bức tượng lớn nhất Châu Á.



Công trình được xây dựng từ năm 1974, tọa lạc trên Núi Nhỏ, không xa trung tâm Vũng Tàu là mấy. Có nét tương đồng với Tượng Chúa Kitô Brasil nhưng cao hơn 2m, công trình đồ sộ này khiến cho du khách không chỉ có hào hứng khi khám phá chinh phục mà còn có cơ hội để thưởng ngoạn cảnh quan thành phố, biển, núi của Vũng Tàu từ trên cao rất ngoạn mục

Đứng từ cánh tay của Tượng Chúa Kitô Vũng Tàu, du khách có thể ngắm biển, núi non xanh tươi, những mái nhà nhấp nhô phía trung tâm thành phố và cả hàng loạt những khách sạn Vũng Tàu gần biển hay những nhóm khách đang vui đùa trên bãi cát, đang thưởng thức hải sản – đặc sản tươi ngon của ẩm thực ở Vũng Tàu…. Cảm giác tuyệt vời ấy như một món quà ý nghĩa du khách có được sau khi chinh phục một chặng đường cả ngàn bậc thang đầy thử thách.

6./ Bà Chúa Xứ Châu Đốc An Giang:


Bà Chúa Xứ là thần nữ được thờ ở núi Sam Châu Đốc, An Giang. Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh Bà được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sau nhiều thay đổi, hiện ngôi miếu đã được xây dựng khang trang, hiện đại để phục vụ hơn 2 triệu lượt khách tham quan, cúng bái hàng năm. Trong đó, nhiều nhất là khoảng thời gian sau tết hay dịp lễ hội vào tháng 4-6 âm lịch hàng năm.



Người ta đến viếng Bà với lòng ngưỡng vọng, tôn kính trước bao huyền tích về nguồn gốc ra đời của tượng Bà, của ngôi miếu có bề dày lịch sử ngót 200 năm... Hạ tuần tháng 4 âm lịch, miếu Bà Chúa Xứ vào cao điểm lễ hội. Những dòng xe mang biển kiểm soát từ nhiều tỉnh thành trong cả nước nối đuôi nhau tụ về. Mọi người nhanh chân vào chánh điện dâng hương khấn bà, rồi tỏa ra các di tích lịch sử không kém phần nổi tiếng xung quanh: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang...

Tượng Bà có nguyên gốc là một pho tượng cổ, từ nơi khác chuyển đến bằng thuyền và đặt trên đỉnh núi Sam. Tượng Bà thuộc loại tượng thần Vishnu, tạc dáng ngồi nghĩ ngợi, quý phái, bằng chất liệu đá son, có giá trị nghệ thuật cao, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6.

Đến An Giang bạn nên tham quan Tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á:


Tượng có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu của tượng là 33,6m, diện tích bệ tượng 27x27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép, trong khuôn viên tượng Phật rộng 2,2ha.



Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất được xác lập kỷ lục Việt Nam vào ngày 2/1/2006  trên núi Thiên Cấm Sơn (cao 710m so với mặt nước biển), một ngọn núi cao thuộc chùa Phật Lớn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

7. Chùa Linh Sơn - Núi Chứa Chan huyện Gia Ray Đồng Nai: 


Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray, núi Gia Lào thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Với chiều cao 800 m so với mặt nước biển, đây là ngọn núi cao thứ hai của Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài nổi tiếng với phong cảnh hùng vĩ, tại độ cao 600 m của ngọn núi còn có một ngôi chùa là chùa Linh Sơn nổi tiếng khắp Nam Bộ. Lượng khách hành hương đến đây khá nhiều, nhưng đông nhất là dịp rằm tháng Giêng và tháng 7.



Không chỉ nổi tiếng về tâm linh, đây cũng là địa điểm trekking tour yêu thích của những ai thích di chuyển

Dọc theo 2 bên đường dẫn từ chân núi lên đến đỉnh là cả một quần thể kiến trúc chùa, miếu và thắng cảnh hấp dẫn. Trong đó, có di tích “Vườn trà Bảo Đại”, nhưng do thời gian tàn phá nên hiện tại vườn trà này chỉ còn lại 4 cây cổ thụ với những giai thoại luôn thu hút du khách. 

Ngoài ra, trên đỉnh núi còn lưu lại dấu tích của một sân bay dã chiến do quân đội Mỹ xây dựng; mật khu Hầm Hinh. Đặc biệt là nơi đồng chí Lê Duẩn (Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam) từng dừng lại làm việc trên đường đi công tác. Đây cũng từng là nơi đóng quân của Chi đội 10 của Thi tướng lừng danh Huỳnh Văn Nghệ.

Bên cạnh giá trị lịch sử và những giai thoại, thì giá trị tâm linh nơi đây chính là điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách các nơi đổ về đây quang năm. Trong đó, nổi tiếng và được nhiều người đến tham quan chiêm ngưỡng, hành lễ để cầu mong sự may mắn, bình an đó là khu vực cây đa 3 gốc cổ thụ.



Nơi đây lúc nào cũng nghi ngút khói hương và người đến nguyện cầu, khấn bái.  Đặc biệt, chùa Bửu Quang vốn là ngôi chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, chùa nằm bên sườn núi cao. Để lên được đến đây, trung bình mỗi du khách phải mất gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ với hàng trăm bậc thang. Tuy đường lên chùa xa xôi, dễ làm chùng chân những ai mới đến lần đầu. 

Nhưng với những ai thành tâm và muốn một lần được khám phá, được tận mắt chứng kiến khung cảnh hùng vĩ của tạo hóa và con người thì đây là một thử thách không thể bỏ qua mỗi khi có dịp đến đây.

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ phục vụ du khách ở đây chưa được cải thiện rõ nét. Tình trạng buôn bán, kinh doanh dọc theo con đường dẫn lên núi còn diễn ra tạp nhạp, rác thải chưa được xử lý…. 

Năm 2012, di tích núi Chứa Chan được Bộ Văn hóa công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.


8./ Chùa Núi Tà Cú Bình Thuận: 


Chùa Núi Tà Cú tọa lạc trên núi Tà Cú, thuộc địa phận xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 30 km về phía đông nam.

Núi Tà Cú cao 649m, chùa Núi Tà Cú nằm lưng chừng núi ở độ cao hơn 400m. Chùa Núi được xây dựng năm 1879, nhưng trước đó nhiều năm đã có chùa thờ Phật bằng mái tranh vách đất. Chùa Núi do nhà sư Trần Hữu Ðức trụ trì, nơi xây dựng chùa do nhà sư chọn, ở đó quanh năm có cây xanh, suối chảy, chim vượn ở ngay cạnh chùa.

Về sau, một chùa mới nữa được xây ở phía dưới có tên là Long Ðoàn và chùa cũ gọi là chùa Trên với tên gọi là Linh Sơn Trường Thọ, gọi chung là Chùa Núi.

Toàn thể cảnh chùa là một tổng thể kiến trúc bao gồm: Tam Quan, điện thờ, tượng Phật, tháp mộ, hang Tổ,… ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa.



Từ dưới chân núi, leo lên hàng trăm bậc tam cấp theo những con đường ngoằn ngoèo giữa rừng già mới đến chùa. Ở đây quanh năm không khí trong lành, mát mẻ, hơi nước toát ra từ núi đá với không khí mát lạnh hấp dẫn trong mùa hè. Nhiệt độ trung bình từ 18 đến 22 độ C. Phong cảnh hùng vĩ nên thơ của núi rừng làm cho chùa Núi càng thêm nổi tiếng.

Núi Tà Cú ngày xưa là một ngọn núi lửa nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc... rất tốt để chữa một số bệnh.

Chùa Núi Tà Cú hiện là một trong những điểm du lịch khá nổi tiếng ở Bình Thuận. Cảnh chùa cổ kính, tượng phật trầm tư và dấu thiêng của sư tổ từ buổi khai sơn cách đây trên một trăm năm luôn làm du khách ngỡ ngàng. Vào các mùa trong năm lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật, ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp Xuân về Tết đến và ngày giỗ Tổ Hữu Đức hàng năm (mùng 5 tháng mười âm lịch).

Chùa Núi Tà Cú cùng với những cánh rừng trong khu Bảo tồn thiên nhiên đã được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1993. Nơi đây đã có hệ thống cáp treo để đưa du khách lên xuống tham quan được thuận tiện hơn.

Ngoài ra khi tham quan thì bạn cần đến xem pho tượng Phật nằm khổng lồ: “Thích Ca nhập niết bàn” nằm ở vị trí cao nhất cách chùa khoảng 100m. Tượng Phật thuộc vào pho tượng Phật hiếm có trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam và là bức tượng dài nhất Việt Nam lúc bấy giờ, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập vào ngày 2/1/2006.



Tác phẩm tượng do kỹ sư Trương Ðình Ý chủ trì vào năm 1962. Cách Pho tượng Phật nằm chừng 50m là nhóm Tam Thế Phật: A Di Dà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí, cả 3 pho tượng đều có chiều cao khoảng 7m.

Tượng Đức Phật nhập Niết bàn được con người làm hoàn toàn bằng công sức lao động của con người, không dùng máy móc hay cần trục.

Pho tượng được tạo tác ở thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, an nhiên gối đầu lên tay. Công trình bằng bê-tông cốt thép phủ vôi trắng có tổng thể chu vi 832 mét, tượng trưng đầy đủ hình tứ thánh lục phàm và thất chúng Phật tử. Đức Phật dài 49 mét tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt, ngang nơi bàn chân là 8,8m, cao từ 2 bàn chân xếp lên là 4,9m, cao từ vai xuống là 12,2m.

Cuối cùng chúc bạn có những chuyến đi tuyệt vời và những lời câu chúc mai mắn nhất!



~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Mr. Trương Lam Sơn

0918 407070

****************



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

FOLLOW US